I. CÁC VẤN ĐỀ CHUNG
Nhìn lại lịch sử của quá trình giáo dục và đào tạo, trước đây các học sinh, sinh viên học tập không đạt chuẩn sẽ bị xét lưu ban (đúp), phải xuống học cùng khoá dưới, lớp dưới và phải học lại tất cả các môn học của năm học không đạt chuẩn đó. Cách đánh giá như vậy cũng có cái lợi là dễ tổ chức đào tạo, nhưng lãng phí về mặt nhân lực, tài chính và vật lực, người học phải mất thêm một năm ăn học. Đặc biệt gây mặc cảm cho các HS, SV phải lưu ban, làm mất ý chí, niềm tin vào bản thân, vào ngành nghề đã chọn.
Ngày nay Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép HS, SV được học lại đối với các môn học (học phần) chưa đạt chuẩn và được học cải thiện điểm đối với các học phần đạt kết quả chưa cao. Đây là một quyết định hết sức đúng và có ý nghĩa lớn đối với giáo dục đào tạo cũng như đem lại rất nhiều lợi ích cho học sinh, sinh viên. Tại sao lại nói như vậy:
- Thứ nhất: học sinh, sinh viên có cơ hội học lại để cải thiện điểm, không bị rơi vào diện dừng tiến độ học tập hoặc phải trả về địa phương.
- Thứ hai: qua quá trình học lại sinh viên củng cố được kiến thức, kỹ năng, thái độ đối với học phần học lại để đạt chuẩn, để có đủ điều kiện sau này được Nhà trường xét công nhận tốt nghiệp, xếp loại bằng tốt nghiệp.
- Thứ ba: khi học lại và học cải thiện điểm không có sự phân biệt giữa các học sinh, sinh viên trong lớp học phần nên không tạo cảm giác mặc cảm cho HS, SV học lại nên các em có thể phát huy hết tiềm năng học tập của mình để phấn đấu đạt kết quả tốt.
- Thứ tư: về mặt kinh tế hết sức tiết kiệm cho người học cũng như cho quá trình đào tạo.
II. ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC THAM GIA HỌC LẠI
1. Điều kiện
Trong trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên hiện đang song song tồn tại hai hình thức đào tạo theo niên chế và theo tín chỉ. Đây là giai đoạn giao thời chuyển tiếp giữa 2 cách tổ chức đào tạo, nhưng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và theo kế hoạch của Nhà trường trong thời gian tới dần dần cách đào tạo theo tín chỉ sẽ thay thế hoàn toàn cách tổ chức đào tạo theo niên chế.
* Đối với hệ đào tạo theo tín chỉ.
Sinh viên được học lại trong các trường hợp sau:
- Bị điểm F (điểm dưới 4 tính theo thang điểm 10), sinh viên bắt buộc phải học lại cho đến khi đạt các điểm A, B, C, D. Nếu kết quả học tập trong chương trình đào tạo của sinh viên còn một học phần bị điểm F thì sinh viên sẽ không được xét công nhận tốt nghiệp.
- Điểm D, C được học lại để cải thiện điểm (theo thang điểm 4, điểm D = 1; điểm C = 2), việc cho phép học lại các học phần này có ý nghĩa rất lớn, vì sao:
+ Đối với điểm D:
Theo quy chế đào tạo tín chỉ khi xét công nhận tốt nghiệp sinh viên cần phải đạt điểm trung bình chung toàn khoá ³ 2 thì mới được công nhận tốt nghiệp ra trường nên trong quá trình học tập chỉ có một vài điểm D thì có thể các học phần có kết quả cao sẽ kéo điểm trung bình trong toàn khóa lên ³ 2 thì sinh viên vẫn được ra trường bình thường. Nhưng nếu nhiều học phần bị điểm D hoặc tất cả bị điểm D thì sinh viên phải đăng ký học lại ngay nếu không sẽ bị cảnh cáo học vụ, dừng tiến độ học tập hoặc thậm chí bị trả về địa phương theo quy định của quy chế vì không đủ điểm trung bình chung tích luỹ tối thiểu cho mỗi học kỳ. Như vậy có thể rút ra kết luận là đối với sinh viên đạt kết quả học tập cao khi có học phần bị điểm D có thể không cần học lại, nhưng đối với sinh viên có học lực trung bình và học lực yếu thì phải đăng ký học lại ngay để không bị rơi vào các trường hợp cảnh cáo học vụ, dừng tiến độ học tập hoặc phải trả về địa phương.
+ Đối với điểm C, việc học lại với điểm C tạo điều kiện cho những sinh viên muốn đạt kết quả cao trong học tập hoặc muốn học lại những học phần mình yêu thích để nâng cao nhận thức cũng như trình độ nghề nghiệp.
* Đối với đào tạo theo niên chế.
- HS, SV có điểm tổng kết học phần sau cả 2 lần thi có kết quả < 5 đều phải học lại, nếu chỉ cần 1 học phần có điểm tổng kết < 5 trong kết quả học tập của chương trình đào tạo, HS-SV không được xét công nhận tốt nghiệp ra trường.
2. Nên đăng ký học lại như thế nào
- Thời điểm đăng ký học lại: Một lời khuyên là nên đăng ký học lại trong thời gian sớm nhất nếu có thể thu xếp được và phải đăng ký vào đầu mỗi học kỳ. Nhiều HS, SV không quan tâm đến học trả nợ nên sau khi thi tốt nghiệp vẫn không được xét công nhận tốt nghiệp ra trường, phải ở lại từ 1 - 2 học kỳ để học lại dẫn tới kết quả phải ra trường muộn mà hậu quả của nó tạo ra sự tốn kém cho bản thân, gia đình và xã hội.
- Khi đăng ký học lại phải quan tâm là sức học của bản thân, xem bản thân còn có khả năng đăng ký học thêm được không, phải quan tâm đến lịch học của bản thân với lịch học lớp học phần học lại có trùng nhau không để chọn được lớp không trùng lịch học thì mới có thể đăng ký được. Đối với sinh viên hệ tín chỉ khi đăng ký học lại phải qua ký duyệt của Cố vấn học tập.
- Khi được nhà trường ký duyệt cho học lại, phải tuyệt đối chấp hành lịch học và phải tự học tốt để đạt kết quả học tập cao.
III. QUẢN LÝ VẤN ĐỀ HỌC LẠI
- Quản lý vấn đề học lại cũng giống như quản lý vấn đề học đi, tức là HS, SV phải chấp hành đúng nội quy quy chế của nhà trường như phải có mặt tối thiểu 80% số buổi lên lớp lý thuyết, tham dự đầy đủ các bài thực hành thì mới được xét tư cách dự thi học phần.
Tổ chức học lại là một chủ trương lớn của Bộ giáo dục và Đào tạo, của Nhà trường. Được học lại là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi HS, SV. Các HS, SV nên quan tâm đến vấn đề học lại để chọn thời điểm đăng ký thích hợp và đạt được kết quả tốt trong học tập.
Chúc các em dồi dào sức khỏe và đạt được thành tích cao trong học tập.

Lại Ngọc Khánh - Phó trưởng phòng Đào tạo
Phòng Đào tạo