I. CÁC VẤN ĐỀ CHUNG
Học tập là một quá trình tiếp thu kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp để trở thành một công dân có nền học vấn cao, tay nghề thành thạo, thái độ nghề nghiệp đúng mực, có khả năng thích ứng và giải quyết tốt các vấn đề chuyên môn, kỹ thuật cũng như có khả năng tham gia lãnh đạo cộng đồng, lãnh đạo xã hội.
Trong trường đại học chương trình đào tạo của mỗi ngành đều được chia thành 3 khối kiến thức lớn đó là:
1. Khối kiến thức khoa học cơ bản, nhân văn, xã hội, quân sự, giáo dục thể chất. Khối kiến thức này rèn luyện, trang bị cho sinh viên tư duy khoa học, phẩm chất chính trị, lối sống, tác phong, tình yêu nhân loại, yêu tổ quốc, các kỹ năng cơ bản về tin học, ngoại ngữ… Đây có thể coi như đặt nền móng cho toàn bộ quá trình đào tạo, nền móng có vững chắc thì ngôi nhà học thức mới đứng vững và phát triển để đem lại lợi ích cho xã hội. Hãy thử tưởng tượng một người giỏi chuyên môn nhưng không đủ sức khoẻ để làm việc hoặc không có đạo đức, tình yêu thương con người thì có thể đóng góp gì cho xã hội.
2. Khối kiến thức cơ sở ngành: Bao gồm các môn học phụ trợ gần chuyên ngành có thể ví như bộ khung nhà, khung nhà càng vững thì ngôi nhà mới phát triển lên cao được. Đó là những bộ môn như Giải phẫu, Sinh lý, Giải phẫu bệnh, Sinh lý bệnh…Đây là những môn học không thể thiếu, không phải chuyên ngành nhưng nếu thiếu nó thì học chuyên ngành không hiểu được, như người đi trong đêm tối mà không có đèn soi sáng.
3. Khối kiến thức chuyên ngành: Bao gồm các môn học liên quan trực tiếp đến nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp ra trường. Bao gồm các môn học như Nội, Ngoại, Sản, Nhi…Người cán bộ tốt nghiệp có được đánh giá cao hay không là phải học giỏi những môn này, không phải chỉ giỏi về lý thuyết mà phải giỏi về tay nghề, không chỉ giỏi về nghề nghiệp mà phải giỏi về giao tiếp ứng xử. Có thể ví những môn học này như những căn phòng đầy đủ tiện nghi và phương tiện giúp cho chủ thể được đào tạo sau này có thể hành nghề được.
Như vậy nhìn về tổng thể chương trình đào tạo Đại học hết sức toàn diện nhằm đào tạo ra những người có khả năng tự học vươn lên để đáp ứng được sự biến động của ngành nghề xã hội. Việc học tập phải được tiến hành có trình tự, không được nóng vội, không được đối phó chỉ cốt phấn đấu đạt điểm là được, phải học tập kiên trì, có nội dung có phương pháp để đảm bảo tích luỹ được các kiến thức kỹ năng được đào tạo.
II.TỰ HỌC NHƯ THẾ NÀO THÌ TỐT
Đây là vấn đề đau đầu bao thế hệ thầy trò và các bậc phụ huynh, làm thế nào để dạy tốt và học tốt.
Ở bậc học phổ thông thì cho con đi học thêm với mong muốn học thầy giỏi thì trò cũng giỏi, ở đại học thì muốn cho con ở cùng với các em cần cù, chịu khó, thông minh để được ảnh hưởng những nết tốt để học tốt. Các gỉảng viên lo soạn bài thật kỹ, chọn các ví dụ thật sâu sắc dễ hiểu, truyền đạt thật tâm huyết để truyền được hết kiến thức kinh nghiệm đã tích luỹ trong suốt cuộc đời dạy học cho sinh viên. Đối với Nhà trường lo đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cấp giảng đường, trang thiết bị dạy học… nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Có thể nói tất cả những yếu tố trên là hết sức quan trọng nhưng không quyết định được chất lượng đào tạo. Chất lượng đào tạo phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tự học của sinh viên.
Từ trước tới nay sinh viên có thói quen đi nghe giảng, đi thực tập. Trong giờ học sinh viên nghe là chính, phát biểu rất ít hoặc không phát biểu vì các nội dung giảng dạy sinh viên mới nghe lần đầu, có rất nhiều khái niệm còn chưa hiểu hoặc chỉ hiểu mơ hồ, chứ hoàn toàn chưa có khả năng phân tích mổ xẻ vấn đề hoặc tổng hợp kiến thức theo chủ đề bài giảng. Đi thực tập thì bao giờ cũng phải chờ hướng dẫn xong mới dám thực tập vì đại đa số sinh viên chưa nghiên cứu giáo trình trước khi vào phòng thực tập. Lỗi tại ai, có phải tại Nhà trường không, tại giảng viên, hay tại sinh viên. Cuối cùng thì không lỗi tại ai cả mà lỗi tại thói quen, thói quen tự học về sau, tức là cứ phải nghe giảng xong mới tự học được. Thói quen này có tốt không, thói quen này đã tồn tại bao năm vẫn đào tạo được mà sao phải bỏ. Vấn đề phải xem lại hoàn cảnh kinh tế xã hội, xã hội ngày nay đã chuyển sang giai đoạn bùng nổ thông tin. Các thông tin không còn phụ thuộc vào người thầy nhiều nữa, sách giáo trình, giáo khoa, sách chuyên đề, mạng Internet, đề cương môn học, đề cương bài giảng, băng video chuyên ngành, bài giảng điện tử giúp sinh viên rất nhiều trong học tập. Nhưng nếu sinh viên vẫn học thụ động như trên thì sẽ không đủ thời gian để học tập, vì có những ngày sinh viên ngồi 10h-12h trên giảng đường và trong phòng thí nghiệm mà chỉ để nghe và nhìn thì sẽ không đủ thời gian để tự học. Vấn đề là sinh viên phải tự học ngay trên giảng đường dưới sự hướng dẫn của giảng viên, học trong phòng thí nghiệm bằng cách làm các thực nghiệm, học tại thư viện và phòng Internet của Nhà trường. Nhưng không phải nói tự học là tự học ngay được mà phải có sự chuẩn bị, phải tự học bài mới trước ở nhà. Nói thì dễ nhưng thời gian đâu để tự học bài mới trước khi lên lớp, trong khi phải học để trả bài thường xuyên và định kỳ của rất nhiều các học phần. Mấu chốt ở chỗ là phải đổi mới phương pháp học tập, phải học trước khi lên lớp để thời gian ở trên lớp có khả năng trao đổi thảo luận, khắc sâu kiến thức, để giảng viên chỉ giành thời gian giảng những vấn đề khó và giúp sinh viên nắm vững bài học ngay trên lớp thông qua việc tạo điều kiện cho sinh viên tự xây dựng bài học và tự do thảo luận bài học.
Đây là một vấn đề không có gì mới trong đào tạo, nhưng chưa làm thế nào thay đổi được. Trong thời gian tới sinh viên phải đổi mới phương pháp tự học, phải học bài mới ngay trước khi lên lớp để có khả năng tự học ngay trên lớp dưới sự hướng dẫn của giảng viên, có như vậy sinh viên mới đảm bảo thời gian tự học trong đào tạo theo tín chỉ. Các giảng viên cũng sẽ giảm thời gian độc thoại, tăng cường thời gian cho sinh viên trình bày kiến thức về các vấn đề thuộc mục tiêu bài giảng, có như vậy và chỉ có như vậy mới đổi mới được phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực hoá người học.
Các em hãy vững tin đây là một phương pháp học tập tốt, sẽ đem lại những hiệu quả bất ngờ khi ta đã làm quen với nó, về cả mặt lý luận và thực tiễn đều đúng, vì học tập là một quá trình tự thân chiếm lĩnh kiến thức, kỹ năng, thái độ dưới sự hướng dẫn của người thầy chứ không phải là một quá trình nhồi nhét liến thức. Chúc các em sinh viên mạnh khoẻ và học tập tốt.
Lại Ngọc Khánh – Phó trưởng phòng Đào tạo