MỘT SỐ ĐIỂM CẦN LƯU Ý
KHI ĐÀO TẠO THEO HỆ THỐNG TÍN CHỈ


I. CHUYỂN ĐỔI CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Chương trình đào tạo là một bản thiết kế tổng thể và chi tiết, quy định các nội dung học tập liên quan tới nhiệm vụ của sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường. Khi phát triển chương trình đào tạo phải phân tích nhu cầu xã hội, xác định mục tiêu đào tạo, thiết kế chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo và lượng giá quá trình đào tạo.
Phân tích nhu cầu xã hội là tìm hiểu các nhu cầu xã hội qua các hội nghị khách hàng, qua việc khảo sát nhu cầu nhân lực và nhu cầu đào tạo của các đơn vị sử dụng lao động từ đó xác định được quy mô đào tạo và mục tiêu đào tạo.
Mục tiêu đào tạo là hệ thống những năng lực, phẩm chất của sản phẩm đào tạo nhằm đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu ngành nghề xã hội. Mục tiêu đào tạo trình độ đại học gồm năng lực phát triển tiềm năng cá nhân và năng lực nghề nghiệp, mục tiêu đào tạo luôn thay đổi theo thời gian và theo nhu cầu xã hội.
Chương trình đào tạo là những nội dung thiết yếu để đáp ứng được mục tiêu đào tạo, chương trình đào tạo có thể được sửa đổi để phù hợp với mục tiêu đào tạo.
Một chương trình đào tạo theo tín chỉ là một chương trình có tính liên thông cao, phát huy được hết tiềm năng của người học và đáp ứng được các nhu cầu ngành nghề của xã hội.
Trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ việc đầu tiên là phải xây dựng lại các chương trình của các ngành đào tạo. Đây là một công việc khó khăn nhất vì nó liên quan đến mục tiêu đào tạo, chất lượng đào tạo và các bộ môn trong toàn trường. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi chuyển đổi chương trình đào tạo từ niên chế sang học chế tín chỉ thì cứ 1,5 đơn vị học trình (đvht) quy đổi về 1 tín chỉ, tức là giảm thời gian lên lớp lý thuyết của giảng viên và sinh viên, thay vào đó tăng thời gian thảo luận, tự học của sinh viên lên gấp đôi. Đây là một quyết định rất đúng vì kiến thức mà người ta có được chủ yếu thông qua quá trình tự học (đọc tài liệu, nghiền ngẫm, tư duy, thực hành, rút kinh nghiệm), Còn thời gian ở trên lớp chủ yếu giảng viên giúp người học để việc tự học của sinh viên được dễ dàng hơn. Nên khi chuyển đổi chương trình đào tạo không phải hoàn toàn là một quá trình chuyển đổi cơ học quy đổi từ 1,5 đvht về 1 tín chỉ, hoặc quy đổi lại, kèm theo thay đổi về tổ chức giảng dạy.
Khi xây dựng chương trình đào tạo phải xác định, củng cố lại mục tiêu đào tạo, xây dựng lại chương trình từ đầu sao cho chương trình có tính chất liên thông cao, đảm bảo được tỷ lệ giữa các khối kiến thức các môn chung, các môn khoa học cơ bản, các môn khoa học cơ sở ngành và các môn khoa học chuyên ngành. Tránh quá tải cho sinh viên, đáp ứng được các nhu cầu của xã hội. Các phần kiến thức giảng dạy phải mang tính logic, không trùng lặp và kiên quyết cắt bỏ những nội dung không còn phù hợp với mục tiêu đào tạo. Trong đào tạo theo tín chỉ chương trình đào tạo 4 năm từ 120-150 tín chỉ; chương trình đào tạo 5 năm từ 150-180 tín chỉ; chương trình đào tạo 6 năm từ 180-210 tín chỉ.
Trong trường có rất nhiều mã ngành đào tạo cùng trình độ đại học, nên việc xây dựng các chương trình có các học phần dùng chung trong khối kiến thức giáo dục đại cương, các môn chung cho các ngành khác nhau là rất cần thiết vì nó sẽ tạo thuận lợi cho việc viết giáo trình (tiến tới một giáo trình dùng chung cho nhiều ngành đào tạo), việc xây dựng được các học phần dùng chung cho các ngành học sẽ tạo thuận lợi cho giảng dạy, tổ chức đào tạo, đào tạo liên thông và đào tạo bằng 2.
Các học phần khối cơ sở ngành tuỳ theo mức độ liên quan của các chuyên ngành mà tổ chức các học phần lồng ghép giữa các đối tượng sao cho phù hợp.
Các học phần chuyên ngành sẽ được giảng dạy riêng cho từng mã ngành đào tạo và phát triển theo hướng chuyên sâu.
Nên xây dựng nhiều học phần tự chọn trong mã ngành như ngoại ngữ tự chọn tiếng Anh, tiếng Pháp…; Tin học tự chọn tin học văn phòng, tin học quản lý bệnh viện…; chuyên ngành có thể tự chọn các học phần trước khi tốt nghiệp thiên về Nội, Ngoại, Sản Nhi… Việc xây dựng và cho phép đăng ký các học phần tự chọn sẽ tạo điều kiện cho sinh viên được tự do phát triển các năng lực, phát huy được hết tiềm năng mà vẫn đảm bảo khối lượng kiến thức đào tạo mà mỗi chuyên ngành quy định.
Nên xây dựng nhiều học phần tự chọn ngoài mã ngành đào tạo nếu thỏa mãn các điều kiện các học phần tiên quyết, học phần học trước ví dụ Bác sỹ đa khoa có thể được đăng ký học thêm học phần dược liệu của chuyên ngành Dược hoặc học phần chăm sóc điều dưỡng Nội, Ngoại, Sản, Nhi của chuyên ngành Điều dưỡng. Việc tạo điều kiện cho các sinh viên được đăng ký học thêm các học phần tự chọn của các chuyên ngành khác sẽ có tác dụng bổ trợ cho chuyên ngành chính, mở rộng nhãn quan và tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên trong công tác sau này. Đây cũng là một bước chuẩn bị cho việc đào tạo bằng 2 sau này.
Khi đã xây dựng được các chương trình đào tạo mềm dẻo có tính liên thông cao, đáp ứng tốt các mục tiêu đào tạo phát huy được tiềm năng của người học, không quá tải cho sinh viên thì việc tổ chức đào tạo theo tín chỉ sẽ diễn ra thuận lợi.
II. CHUYỂN ĐỔI TỔ CHỨC ĐÀO TẠO
Tổ chức đào tạo là tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo của Nhà trường đúng quy định và đảm bảo được các mục tiêu đề ra.
Trong đào tạo theo tín chỉ việc tổ chức đào tạo được chương trình hoá theo phần mềm của máy vi tính nên mọi quy định phải có trước, mọi trách nhiệm và nghĩa vụ phải được thực hiện đúng thời hạn. Sẽ có 2 quy chế để thực hiện đó là: Quy chế học vụ hệ đại học và quy chế giảng dạy.
- Quy chế học vụ: Là quy chế đào tạo của Nhà trường, nhưng khác với quy chế đào tạo trong niên chế, Quy chế học vụ quy định tỉ mỉ các bước thực hiện để đảm bảo kịp thời gian và tiến độ đào tạo. Quy chế học vụ là quy trình thực hiện quy chế đào tạo theo học chế tín chỉ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của Nhà trường.
- Quy chế giảng dạy: là quy chế xác định cơ cấu quản lý, điều hành công tác giảng dạy trong trường, cụ thể hóa các nhiệm vụ của các đơn vị và các thầy cô giáo trong Trường.
Cùng với Quy chế học vụ với đối tượng chính là sinh viên, Quy chế giảng dạy với đối tượng chính là cán bộ giảng dạy, là cơ sở pháp lý cho toàn bộ hoạt động đào tạo, giảng dạy và học tập trong Trường.
III. ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY
Đổi mới phương pháp giảng dạy là một lĩnh vực chuyên sâu của các nhà nghiên cứu về giáo dục học. Đây cũng là một chủ đề quan trọng của hiệp hội các trường Đại học Việt Nam (VUN). Ngay từ năm 1998 các cuộc hội thảo về đổi mới phương pháp giảng dạy của hiệp hội các trường Đại học đã được tổ chức tại Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác trong cả nước. Nhưng trong thực tế việc đổi mới phương pháp giảng dạy diễn ra rất khó khăn. Trong giảng dạy lý thuyết ở các trường đại học chủ yếu vẫn là thuyết trình và truyền đạt một chiều. Nguyên nhân chủ yếu làm chậm công tác đổi mới do các giảng viên phản ảnh là sinh viên không chịu nghiên cứu tài liệu trước khi lên lớp, sinh viên không tích cực hoạt động, trao đổi trong giờ học.
Hiện nay người ta hay nói đến đổi mới phương pháp dạy - học, tức là chú ý đến vai trò hợp tác của người sinh viên trong dạy học. Nếu trong dạy học mà không có hợp tác của người học thì mọi phương pháp đổi mới đều khó mà thành công. Trong đào tạo theo học chế tín chỉ với mục tiêu rèn luyện sinh viên trở thành những người sau khi tốt ngiệp có khả năng tự học vươn lên nên phải đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy người học làm trung tâm. Vậy làm thế nào để đổi mới được phương pháp dạy học?
Học tập là một quá trình chủ động nên thầy không thể học thay trò. Ai cũng biết rằng lượng giá thế nào thì sinh viên sẽ học như thế, nếu không lượng giá thì sinh viên có thể không học (tính theo số đông). Trong thời gian qua các lượng giá quá trình chủ yếu được tiến hành sau khi giáo viên giảng dạy và sau một thời gian ôn tập, nên sinh viên sinh ra tâm lý chờ đợi, ỷ lại, xem giảng viên cho ôn phần nào để tập trung học vào phần giới hạn, phấn đấu đạt kết quả cao. Đây là một nguyên nhân chính dẫn đến việc sinh viên không nghiên cứu tài liệu trước khi lên lớp dẫn tới không tích cực trong giờ học.
Hiện nay với quy chế rất mở của của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho phép đánh giá trong cả quá trình, cho phép đánh giá bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có cả kiểm tra trong giờ học (như học sinh phổ thông). Mỗi học phần đều có hai điểm kiểm tra thường xuyên trở lên nên có thể sử dụng một điểm kiểm tra thường xuyên để cho điểm ngay trong giờ học, để cho điểm kiểm tra các kiến thức cũ, kiến thức có liên quan, cho điểm khuyến khích đối với các sinh viên chịu khó nghiên cứu tài liệu trước khi lên lớp, hăng hái tham gia học tập, ngay trên lớp đã nắm được các điểm chính yếu của bài học, từ đó tạo thành phong trào tự học sôi nổi trong sinh viên, rồi từ điểm nhân lên diện rộng và từ đó đổi mới được phương pháp dạy - học.
Sẽ không đổi mới được phương pháp dạy học nếu giảng viên giảng bằng phương pháp tích cực trong khi sinh viên vẫn học tập bằng phương pháp thụ động.
Trên đây chỉ là một biện pháp mang tính kích cầu trong dạy học tích cực (chứ không phải dạy học tích cực = kiểm tra trong giờ). Đổi mới phương pháp phải là một tập hợp các biện pháp hữu hiệu nhằm thực hiện được mục tiêu đề ra và phải đạt được hiệu quả đào tạo. Trong dạy học tích cực người ta không quan tâm thầy đã giảng được bao nhiêu mà quan tâm đến trò đã học được bao nhiêu.
Trong đào tạo theo học chế tín chỉ việc rèn luyện cho sinh viên có khả năng tự học vươn lên là một yêu cầu bắt buộc để sinh viên có khả năng tự học, tự đào tạo đáp ứng được các yêu cầu của nghề nghiệp sau này. Trong đào tạo theo tín chỉ vẫn phải tiếp tục phát huy điểm mạnh của các phương pháp giảng dạy truyền thống nhưng việc tích cực hoá sinh viên phải được đặt lên hàng đầu, sao cho sinh viên phải tích cực nghiên cứu tài liệu từ trước khi lên lớp. Trong giờ lý thuyết giảng viên tạo điều kiện tối đa cho sinh viên được tham gia vào bài giảng dưới các hoạt động học tập tích cực như phát vấn, cho sinh viên tham gia xây dựng bài học… theo các kỹ thuật của dạy - học tích cực để tự tìm ra các kiến thức mới dưới sự hướng dẫn của giảng viên.
Tuy vậy chương trình đào tạo hiện nay vẫn còn quá tải. Trong lượng giá phần lý thuyết vẫn thiên kiểm tra về chí nhớ, khả năng học thuộc lòng của sinh viên (học thuộc lòng rất tốn thời gian) trong khi đó chưa lượng giá được nhiều các khả năng phân tích, tổng hợp, giải quyết tình huống, thực hành tay nghề. Đây cũng là một khó khăn trong vấn đề tự học, tự đào tạo.