Nâng cao chất lượng đào tạo là yêu cầu luôn luôn được đặt ra đối với ngành giáo dục và đào tạo cũng như đối với mỗi trường Đại học. Chất lượng đào tạo vừa là tiền đề, vừa là động lực cho sự phát triển của xã hội. Để nâng cao chất lượng đào tạo phải chú ý đến toàn bộ các yếu tố cấu thành quá trình giáo dục và đào tạo như cơ sở vật chất của Nhà trường, chất lượng của đội ngũ cán bộ giảng viên, điểm tuyển sinh đầu vào của học sinh - sinh viên, phương pháp giảng dạy của giảng viên, phương pháp học tập của sinh viên, tổ chức đào tạo của Nhà trường, môi trường học tập sinh hoạt của học sinh - sinh viên, vấn đề lượng giá và các phương pháp đánh giá trong đào tạo của Nhà trường…
Cho đến năm học 2010 – 2011 Trường đại học Y Dược đã bước vào năm thứ 3 đào tạo theo tín chỉ, đây là một thành công rất lớn của Nhà trường góp phần thực hiện thành công nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ Đại học Thái Nguyên là đến năm 2009 toàn bộ các trường thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên đào tạo theo tín chỉ. Tuy vậy nhìn lại quá trình chuyển đổi sang đào tạo theo tín chỉ trong những năm qua chúng ta thấy đầy khó khăn, gian khổ nhưng hết sức hiệu quả và sáng tạo. Năm 2006 khi Đảng ủy – Ban Giám hiệu trường Đại học Y khoa quyết định chuyển đổi các mã ngành đào tạo đại học, cao đẳng hệ chính quy sang đào tạo theo tín chỉ, các phòng ban rất bỡ ngỡ vì chưa có kinh nghiệm, chưa biết cách tổ chức đào tạo như thế nào, nhiều giảng viên chưa hiểu rõ tín chỉ là gì, tại sao phải chuyển đổi sang đào tạo theo tín chỉ. Cơ sở vật chất, mạng thông tin, thư viện của Nhà trường thiếu thốn tưởng như không thể nào chuyển đổi được sang đào tạo theo tín chỉ được. Nhưng với sự hỗ trợ của Đại học Thái Nguyên, sự quyết tâm của Đảng ủy – Ban Giám hiệu Nhà trường và sự nỗ lực của gần 500 cán bộ công nhân viên và hàng nghìn sinh viên, đến nay việc chuyển đổi sang đào tạo theo tín chỉ bước đầu đã thành công, chất lượng đào tạo được giữ vững và nâng cao, không để xảy ra những biến động lớn trong đào tạo, không xẩy ra tình trạng hàng loạt sinh viên phải trả về địa phương như một số Đại học khi mới bước vào đào tạo theo tín chỉ. Chúng tôi xin nêu lên một số mặt công tác của Nhà trường đã làm được khi chuyển đổi sang đào tạo theo tín chỉ.
1. Chuyển đổi chương trình đào tạo
Chuyển đổi chương trình đào tạo là một trong những công việc khó khăn khi bước vào đào tạo theo tín chỉ. Từ chương trình đào tạo trên 50 ĐVHT/năm của các ngành BSĐK, BSYHDP, BSRHM, Dược sĩ ĐH, CNĐDCQ… (chương trình này ngày càng quá tải vì thêm các học phần mới và nhiều bài học mới, lại trùng lặp nhiều nội dung giảng dạy giữa các bộ môn khác nhau), làm thế nào để đưa về chương trình đào tạo 30 tín chỉ/năm là việc rất khó khăn. Đặc biệt các chương trình đào tạo phải có tính liên thông ngang, nhiều học phần học chung nhau, để dễ tổ chức đào tạo và tạo điều kiện cho sinh viên học bằng 2 sau này. Hiện tại Nhà trường đã có 5 chương trình đào tạo Đại học và 2 chương trình đào tạo Cao đẳng theo hệ thống tín chỉ, các chương trình này về cơ bản đáp ứng được nhu cầu đào tạo theo tín chỉ.
2. Đổi mới phương pháp giảng dạy
Đổi mới phương pháp giảng dạy là một vấn đề đã được Nhà trường quan tâm đến từ lâu nhưng việc đổi mới phương pháp chưa tương ứng với yêu cầu nhiệm vụ đào tạo, nhiều bài giảng còn dàn trải, chưa đi đúng mục tiêu của học phần và bài học. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đào tạo tín chỉ, vì đứng trước thực trạng bùng nổ thông tin trong xã hội hiện đại việc giảng dạy và xây dựng chương trình đào tạo theo phương pháp tiếp cận nội dung không còn phù hợp nữa vì các nội dung giảng dạy sẽ quá tải và cũng không đủ để sinh viên làm việc trong thực tiễn. Mặt khác có thể một số kiến thức sẽ lạc hậu theo thời gian và không phù hợp với thực tiễn của người được đào tạo, nên phải chuyển đổi phương pháp giảng dạy và xây dựng chương trình theo hướng tiếp cận với sự phát triển, đào tạo các nhóm vấn đề kiến thức cơ bản và hiện đại và phương pháp tiếp cận và giải quyết các vấn đề được thực tiễn đặt ra. Trong thời gian qua việc đổi mới phương pháp giảng dạy hết sức khó khăn vì nó không chỉ phụ thuộc vào ý chí của giảng viên mà còn phụ thuộc vào khả năng và cách học của sinh viên. Tuy vậy vấn đề này nếu Nhà trường tìm được điểm then chốt thì có thể sẽ tìm được điểm đột phá. Chúng tôi nghĩ rằng đối với sinh viên khối ngành Y – Dược nên tạo điều kiện tối đa để sinh viên được tham gia thực hành thí nghiệm và làm thực tế tại các Bệnh viện lớn và các cơ sở Dược có trình độ chuyên môn cao. Tuy vậy khi tổ chức thực hành thí nghiệm, thực tế bệnh viện phải giao bài giao việc cho sinh viên, sinh viên phải thực hành thực sự, quản lý bằng công việc, tránh tình trạng để sinh viên thực tập như tham quan bệnh viện, tham quan cơ sở thực tập dẫn đến sinh viên nói được nhưng không làm được.
3. Hoàn chỉnh giáo trình và đề cương môn học
Trong thời gian qua chúng ta đã củng cố được hệ thống giáo trình đào tạo theo tín chỉ. Đây là thành công rất lớn của Nhà trường và của các bộ môn. Nhiều giáo trình đã được đem in tại nhà xuất bản y học hoặc nhà xuất bản của Đại học Thái Nguyên. Đa số các giáo trình có số trang phù hợp với thời lượng đào tạo, nội dung giáo trình đã sát hợp với thực tiễn nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra cho người cán bộ y tế sau này. Kèm theo giáo trình là bộ đề cương môn học của học phần và của mỗi bài giảng. Nếu chúng ta tổ chức đào tạo và giảng dạy đúng đề cương môn học thì chất lượng đào tạo chắc chắn được đảm bảo. Tuy vậy đối với một số ngành đào tạo mới mở việc biên soạn giáo trình còn gặp không ít khó khăn vì nhiều lý do khác nhau, nhưng theo chúng tôi việc viết giáo trình phải là việc đầu tiên phải làm khi bắt tay vào giảng dạy.
4. Tăng cường cơ sở vật chất, hoàn thiện bộ máy tổ chức
Do đặc thù của cách tổ chức đào tạo theo tín chỉ, cơ sở vật chất để phục vụ đào tạo đã được tăng cường và hiện đại hoá. Hiện tại hệ thống mạng nội bộ, phần mềm đào tạo tín chỉ, mạng Internet đã thông suốt đến tất cả các phòng ban, khoa, bộ môn. Hệ thống giảng đường đã được trang bị projector, các khoa đã được thành lập, bước đầu hoạt động có hiệu quả. Cơ chế quản lý Trường – Khoa - Bộ môn sẽ phát huy tác dụng tối đa trong đào tạo theo tín chỉ.
BCH Đảng ủy - BGH đã chú ý đến tính hoạt động chuyên nghiệp của các đơn vị trong trường. Khi đào tạo theo tín chỉ người lãnh của các đơn vị cần nhạy bén với cái mới và đội ngũ các chuyên viên của các phòng ban phải lành nghề và có tính chuyên nghiệp cao.
5.Một số mặt công tác còn tồn tại
Hiện tại vẫn còn nhiều vấn đề bất cập như các bộ môn chưa cân đối số cán bộ ở trường tham gia giảng dạy với số cán được cử đi học dẫn đến khi thực hiện kế hoạch giảng dạy thiếu cán bộ. Số lượng giảng đường, phòng thí nghiệm chưa đủ làm cho việc xếp lịch của phòng Đào tạo gặp không ít khó khăn. Tác phong làm việc trong đào tạo tín chỉ đúng giờ, đúng lịch còn chưa thành nếp tạo ra những khó khăn không nhỏ cho Nhà trường.
Trên đây chúng tôi xin nêu qua một số thành tích cơ bản quan trọng đã đạt được và một số khó khăn gặp phải qua 3 năm bước vào đào tạo tín chỉ. So với 3 năm trước khi mới bước vào đào tạo tín chỉ các đơn vị trong trường đã tự tin hơn rất nhiều vì hiện nay chúng ta có đầy đủ chương trình, giáo trình, phương tiện, cơ sở vật chất, phương pháp để đào tạo tín chỉ. Công tác tổ chức và trình độ quản lý của các phòng ban, khoa, bộ môn cũng được nâng cao ngang tầm với các nhiệm vụ khó khăn mà chúng ta đã thực hiện được. Hiện tại Nhà trường đã đăng ký kiểm định đánh giá ngoài với Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuối năm 2010.
Để đóng góp ý kiến với Đại hội chúng tôi xin đề xuất một số ý kiến để hội nghị xem xét và BGH cho ý kiến chỉ đạo.
1. Chuyển đổi chương trình đào tạo đại học của các hệ liên thông như chuyên tu Y, Dược, CNĐD vừa làm vừa học sang đào tạo theo tín chỉ để chống lại tình trạng quá tải cho sinh viên và dễ tổ chức đào tạo, tiến tới cấp một loại văn bằng chung nhưng ghi hình thức tổ chức đào tạo khác nhau.
2. Phấn đấu 100% các học phần giảng dạy trong trường có giáo trình lưu hành nội bộ hoặc được in tại các nhà xuất bản quốc gia hoặc nhà xuất bản của Đại học Thái Nguyên.
3. Các bộ môn hoàn chỉnh và nhà trường tổ chức nghiệm thu bộ đề cương các học phần đào tạo theo tín chỉ.
4. Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hoá việc học tập của sinh viên.
5. Đổi mới phương pháp lượng giá, tăng cường cho sinh viên thực hành và làm các bài tập lớn. Chú trọng rèn luyện tư duy khoa học và kỹ năng thực hành cho sinh viên, tiến tới đào tạo ra những sinh viên có khả năng nói được, làm được và viết được, giải quyết được các vấn đề thực tiễn đặt ra.

Lại Ngọc Khánh - Chi bộ ĐT – KH và QHQT