Học tập là một quá trình chủ động nên thầy không thể học thay trò. Trong Hội nghị quốc tế về Giáo dục y học ở Edinbourg (8-1988) và Hội nghị thượng đỉnh về Giáo dục y học (8-1993) ở Edinbourg, với hai bản tuyên ngôn nổi tiếng (Edinbourg Declaration) thì phương pháp dạy và học tích cực được khẳng định và được tổ chức Y tế Thế giới (WHO/OMS) hết sức khuyến nghị.
Ngay từ năm 1993 Bộ Y tế đã tổ chức rất nhiều hội thảo về giảng dạy tích cực và khuyến nghị các cơ sở đào tạo nhân lực Y tế chuyển hướng sang giảng dạy tích cực để đáp ứng được trước sự bùng nổ thông tin trong các lĩnh vực Đào tạo Y học, vì không thể kéo dài mãi thời gian của các khóa đào tạo cũng như trong thời gian đào tạo tại Trường không thể trang bị đủ tất cả kiến thức để cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có thể làm việc được ngay vì rất nhiều kiến thức học được trong trường sau khi tốt nghiệp sẽ bị lạc hậu và cũng rất nhiều kiến thức mới, máy mới sẽ ra đời.
Trong hơn 10 năm trở lại đây Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã yêu cầu các cơ sở giáo dục và đào tạo chuyển đổi mục tiêu, chương trình, giáo trình, nội dung, phương pháp, lượng giá theo hướng giảng dạy tích cực và theo hướng lấy người học làm trung tâm. Không phải chỉ giảng những kiến thức thầy sẵn có mà phải giảng những kiến thức, kỹ năng sinh viên cần phải có để đáp ứng được các nhu cầu ngành nghề xã hội. Đây là một phương pháp giảng dạy mới có hiệu quả đào tạo, làm người học có khả năng tự học trong trường và cả sau khi đã tốt nghiệp ra trường, do đó có khả năng thích ứng cao với nghề nghiệp.
Như vậy vấn đề giảng dạy tích cực đã có từ lâu, có tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Nó như một phương pháp giảng dạy thích hợp nhất và phù hợp nhất trong thời đại bùng nổ thông tin.
Trước kia có người nói "học mười làm một", ngày nay điều đó chỉ đúng có một nửa. Vì học ở trong trường mười nhưng ra chỉ làm ở một lĩnh vực nào đó, trong khi đó lĩnh vực công tác mới lại hết sức mới mẻ, bỡ ngỡ phải được đào tạo, đào tạo lại và phải tự học suốt đời rất nhiều thì mới có thể đáp ứng, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Như vậy mục tiêu đào tạo của Trường đại học phải chuyển hướng từ chỗ chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng tiếp cận nội dung, tức là cung cấp cho sinh viên đầy đủ kiến thức để sau khi ra trường có thể hành nghề được ngay. Phải chuyển sang hướng xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận với sự phát triển của nền kinh tế xã hội, sự bùng nổ thông tin trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, tức là chỉ đủ thời gian đào tạo cho sinh viên những phần kiến thức cốt lõi (phần kiến thức phải học) của ngành nghề và rèn luyện cho sinh viên có khả năng tự học các phần kiến thức nên học, phần kiến thức học được thì càng tốt để sinh viên có thể tự học, tự phát triển được sau khi tốt nghiệp ra trường, tức là vẫn tự học được ngay cả khi không có thầy hướng dẫn.
Để làm được điều đó không có cách gì khác là phải đổi mới phương pháp giảng dạy, giảng dạy theo phương pháp tích cực.
Giảng dạy theo phương pháp tích cực là gì ?
Giảng dạy theo phương pháp tích cực thực chất là tiếp thu mọi tinh túy của phương pháp giảng dạy truyền thống, đồng thời tích cực hóa việc giảng dạy và nhất là việc học tập của học sinh, sinh viên lên mức tối đa.
Giảng dạy theo phương pháp tích cực là tập hợp các biện pháp hữu hiệu nhằm tích cực hoá hoạt động học tập của sinh viên ở trên lớp, ở trong phòng thí nghiệm, ở cơ sở thực hành. Tuỳ theo mục tiêu học tập, đối tượng đào tạo mà áp dụng các biện pháp khác nhau. Như vậy không có một kỹ thuật cố định áp dụng trong giảng dạy tích cực. Không nên nhầm lẫn phương pháp và biện pháp (vấn đề kỹ thuật). Phương pháp là cái lớn hơn, cái bao trùm , còn biện pháp là các kỹ thuật cụ thể. Chính vì sự nhầm lẫn này nên việc chuyển đổi sang giảng dạy tích cực trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Việc tích cực hoá sinh viên nên được tiến hành theo nhiều phương pháp từ thấp đến cao mang tính đồng bộ thì mới có hiệu quả. Để chuyển đổi theo giảng dạy tích cực phải chú ý tới các mặt sau:
1. Xác định mục tiêu:
Mục tiêu là cái đích hướng tới, là các nội dung trước giờ học, bài học sinh viên có thể chưa làm được nhưng sau bài học, giờ học sinh viên sẽ phải nói được, viết được, làm được. Vì khối lượng kiến thức khoa học liên quan tới các nội dung giảng dạy rất lớn, nên mỗi bài học phải có mục tiêu. Mục tiêu là cái cốt lõi nhất, không thể không học, nên một bài học không nên quá nhiều mục tiêu và giảng dạy, học tập, kiểm tra, đánh giá đều phải căn cứ vào mục tiêu để thực hiện.
Mục tiêu phải xuất phát từ nhu cầu làm việc của sinh viên sau này hoặc là những phần kiến thức không thể thiếu được làm nền tảng bổ trợ cho các học phần về sau. Nên xây dựng mục tiêu phải sát hợp với chương trình. Mục tiêu cũng phải phù hợp với trình độ và cấp độ của người học. Mục tiêu không quá cao hoặc quá thấp với yêu cầu trình độ đào tạo.
2. Viết giáo trình
Viết giáo trình là một việc hết sức quan trọng trong dạy học tích cực. Trong dạy học tích cực người học phải đọc tài liệu trước khi lên lớp, nên việc viết giáo trình phải viết theo hướng cho người học có thể tự đọc được tài liệu. Việc viết giáo trình phải có mục tiêu. Vì kiến thức thuộc mỗi bài, mỗi lĩnh vực rất rộng lớn nên không thể đưa tất cả vào bài học được mà chỉ đưa các phần kiến thức bắt buộc phải học (phần cốt lõi). Các phần kiến thức khác (biết thì tốt) đã có trong các tài liệu tham khảo hoặc có trong sách giáo khoa của các thầy đầu ngành. Tuy vậy giáo trình cũng không nên viết dưới dạng các ý gạch đầu dòng liên tiếp, như vậy bản thân các khái niệm các quy trình kiến thức có tính lô gíc lại trở nên rời rạc khô khan bị cắt vụn và rất khó hiểu. Khi viết giáo trình phải nắm vững mục tiêu của học phần, mục tiêu của từng bài thì mới nêu bật được nội dung cần thiết và mới có cách viết phù hợp, đơn giản hóa các vấn đề phức tạp, để giáo trình trở thành giáo trình tự học. Khi đã có giáo trình tự học thì việc sinh viên nghiên cứu bài giảng trước khi lên lớp sẽ diễn ra hết sức thuận lợi.
3. Áp dụng các kỹ thuật tích cực hoá sinh viên trong giờ học.
Phương pháp giảng dạy tích cực nhiều khi bị hiểu quá trực diện hoặc ngộ nhận nên rất khó vận dụng. Có người hiểu phương pháp giảng dạy tích cực là phương pháp giảng dạy nêu vấn đề; phương pháp đóng vai; phương pháp thảo luận nhóm; phương pháp thực hành; phương pháp thí nghiệm; phương pháp Cémina; phương pháp hội thảo… hiểu như vậy không sai nhưng chưa toàn diện và rất khó vận dụng vào thực tiễn. Lại càng không thể áp dụng một trong các phương pháp nêu trên để áp dụng trong mọi tình huống và coi đó là giảng dạy tích cực. Giảng dạy tích cực thực chất là tích cực hoá sinh viên trong giờ học, tuỳ theo mức độ hợp tác của sinh viên, công tác chuẩn bị của giảng viên, trình độ giảng viên, thói quen học tập của sinh viên mà tổ chức dạy học tích cực nhiều hay ít để phù hợp với mục tiêu đào tạo. Có rất nhiều cách giảng dạy.
Giảng dạy truyền thống:
Là hình thức giảng dạy lấy giảng viên làm trung tâm, thầy nói trò ghi, thầy đọc trò chép. Đây là một hình thức giảng dạy xuất phát từ chỗ không có tài liệu, sách giáo khoa hình thành từ thời kháng chiến, lâu dần thành nếp truyền thụ một chiều. Ngày nay đã có giáo trình nên phát sinh một hình thức mới là thầy giảng trò nghe, có sinh viên không nghe thì giảng viên cũng không thể kiểm soát được vì nghe hay không nghe không biểu hiện ra ngoài. Vào giờ học cuối sinh viên mất tập trung nên hiệu quả giờ giảng thấp, sinh viên ngồi cho hết giờ để được ra về. Với phương pháp giảng dạy này người học rất nhàn vì trước khi đi học không cần chuẩn bị gì, khi đi học chỉ cần đem theo quyển giáo trình, ở trên lớp nếu thích thì nghe, mệt mỏi không nghe nữa thì cũng không ai kiểm soát được. Nhiều khi sinh viên không nắm được các vấn đề thuộc mục tiêu bài học nhưng cũng không dám hỏi. Giảng viên thì lên lớp rất vất vả vì phải nói liên tục từ đầu giờ đến cuối giờ mà chưa chắc đã đạt được kết quả đào tạo. Vì học tập là một quá trình chủ động tự giác nên thầy không thể học thay trò. Nếu giảng viên nói càng nhiều, càng nhanh thì đa số sinh viên càng không nắm chắc được các vấn đề thuộc về bản chất.
Giảng dạy tích cực:
Sinh viên phải đọc tài liệu trước khi lên lớp, đọc tài liệu và nghiền ngẫm tài liệu tức là tự học, nếu giáo trình viết rõ ràng, khúc triết, các vẫn đề móc nối nhau có trật tự lôgíc thì sinh viên có thể nắm bắt được rất nhiều vấn đề thuộc mục tiêu bài học. Tuy vậy giáo trình không nên viết quá dài sẽ dẫn tới quá tải làm cho sinh viên mất khả năng tập trung vào các vấn đề chính nên giảm sút chất lượng của tự học.
Trong giờ học giảng viên tạo điều kiện cho sinh viên tham gia vào bài giảng dưới nhiều hình thức khác nhau tuỳ theo mức độ tiếp thu và hiểu bài của sinh viên như phát vấn để kiểm tra kiến thức bài cũ và kiến thức liên quan. Cho sinh viên tham gia vào xây dựng bài mới, cho điểm cao khuyến khích những sinh viên hăng hái tham gia học tập, ngay trong giờ học đã hiểu sâu sắc các vấn đề thuộc mục tiêu bài học. Nếu đủ điều kiện thì tổ chức thảo luận ngắn để làm rõ các vấn đề thuộc về bản chất.
Như vậy giảng dạy tích cực thực chất chỉ là sự chuyển đổi trọng tâm của giảng dạy truyền thống từ chỗ người thầy làm tất cả để cho trò nghe, nhìn mà ít cần động não suy nghĩ sẽ tiến tới hình thức cao nhất của nó là trò tự tìm ra các vấn đề của bài học theo định hướng của giảng viên. Những vấn đề gì trò không thể làm được thì thầy sẽ là người định hướng, dìu dắt, thuyết trình, minh hoạ làm cho trò rõ. Giảng dạy theo phương pháp này sinh viên phải học thật sự, phải học cả trước trong và sau giờ học nhưng hứng thú và đạt hiệu quả cao trong đào tạo.
Tuy vậy không thể chuyển đổi dạy học theo hướng tích cực hoá một cách đột ngột mà phải tiến hành từ từ đồng bộ, đạt được hiệu quả đào tạo. Nếu “tích cực” quá đến mức sinh viên không hiểu gì hoặc chỉ hiểu lõm bõm sau một giờ học thì phương pháp thực hiện chưa thành công. Đây không phải là lỗi của phương pháp mà do cách tổ chức thực hiện chưa tốt. Không thể giảng dạy tích cực nếu sinh viên không tự học trước bài mới ở nhà, cũng như không tích cực được sinh viên nếu không khuyến khích động viên được sinh viên xây dựng bài học ngay trên lớp, nên cho điểm khuyến khích đối với các sinh viên tích cực xây dựng bài.
Trong phương pháp này cái khó nhất của giảng viên là phải kiên trì tổ chức cho sinh viên học tập để tự phát hiện ra các vấn đề của bài học, trong dạy học theo phương pháp tích cực tất cả các thành viên trong lớp đều có trách nhiệm và nghĩa vụ ngang nhau trong việc xây dựng bài mới. Trong giảng dạy tích cực nên khuyến khích những sinh viên có khả năng trình bày các vấn đề theo ý hiểu, tránh để sinh viên nói lại các vấn đề của bài học như học thuộc lòng mà không nắm được bản chất của vấn đề.
Vấn đề lượng giá: Lượng giá có hai ý nghĩa
Thứ nhất là để đo lường kết quả học tập của sinh viên để phân loại học tập, nhưng để đáp ứng được mục tiêu đào tạo thì các hình thức lượng giá phải chính xác, khách quan, tin cậy, hiệu quả. Cần áp dụng nhiều hình thức lượng giá khác nhau để đánh giá được các mặt kiến thức, kỹ năng, thái độ. Nên khuyến khích các hình thức lượng giá đánh giá được khả năng tổng hợp, phân tích, ra quyết định, thực hành của sinh viên. Nên hạn chế kiểm tra trí nhớ đơn thuần, học thuộc lòng, nói được nhưng không làm được, không hiểu bản chất vấn đề (vì học thuộc lòng rất tốn thời giờ mà lại chóng quên)
Thứ hai là lượng giá giúp cho sinh viên học tập tốt hơn. Như vậy phải lượng giá trong quá trình để cho sinh viên biết được mình đang đứng ở mức độ nào để phấn đấu, để khuyến khích những em chăm chỉ chuyên cần học tập và để làm đòn bẩy trong dạy học tích cực.
Tất cả các yếu tố trên sẽ hỗ trợ cho nhau trong phương pháp giảng dạy tích cực. tuy vậy giảng dạy theo phương pháp nào thì mục tiêu cuối cùng vẫn là sinh viên, sau giờ học sinh viên sẽ phải nói được, viết được hoặc làm được các nội dung thuộc về mục tiêu bài học nếu không làm được như vậy thì sẽ không đạt được hiệu quả đào tạo.
BS Lại Ngọc Khánh